Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

KIM ANH

                           Tặng chị KA để nhớ về những năm 1977 - 1980

Chị chỉ còn có một nửa vầng trăng
(Từ thuở xa chồng... 
vầng trăng không tròn nữa ! )
Trái đất quay một vòng,
........... đêm hay ngày rực lửa, 
Chị tắm mát mình......
trong thao thức nửa vầng trăng.

Tiệc cuộc đời, đem giọng nói đãi đằng
lời nói gió bay...
Chị còn lại nụ cười như nắng.
Ai biết chị như sao Vượt những ngày Anh đi vắng.
Vằng vặc giữa trời,
tần tảo gánh Hôm - Mai.
Tần tảo gánh gồng con gái, con trai,
2 Mẹ già giữa nếp nhà trống trải,
chị tốt bụng, sống không hề áy náy
san sẻ hết mình những vật chất riêng tư.
Nửa vầng trăng bên chị vẫn còn dư -
vẫn rất đủ để xẻ chia ánh sáng
cho những người chị vẫn xem là Bạn,
Chỉ giữ lại cho mình....
thăm thẳm nỗi đau riêng.

Nước mắt dễ rơi,
nước mắt xóa ưu phiền!
Chị mạnh mẽ giữa cuộc đời màu xám.
Người phụ nữ dịu dàng
như nửa vầng trăng tháng 8
Chỉ nửa vầng trăng thôi .... mà ánh sáng đã tràn đầy.
.............
Tôi theo chị rong chơi 
từ thuở rất thơ ngây
nhận từ chị những chở che ấm áp
nhận từ chị bao diụ dàng....
giữa những ngày ảm đạm
ánh sáng nửa vầng trăng theo suốt mấy mươi năm....
Tôi vẽ bâng quơ những giọt sáng trăng rằm
có mùi hương hoa Quỳnh nở trong đêm trắng xóa,
đem tặng chị tất cả lời của gió....

Để thấy mắt chị cười
rạng rỡ buổi chiều hôm.
...........................
Chị tôi ơi,
Vì một vầng trăng đã thôi khuyết giữa trời.
Vì vầng trăng đã đầy đặn trong đời,
chị hãy cười để niềm vui lóng lánh, 
bởi Hạnh phúc đâu thể nào so sánh...
Giữa Nhận và Cho - Trời đất rất công bằng.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Ca dao

Khi anh nói...
" Tưởng giếng sâu nên nối sợi dây dài....
Có biết đâu tôi đang tiếc!
Cái tình tôi yêu anh thật là tha thiết...,
mà anh đi cân phân nông - sâu.
Ngồi tiếc sợi dây tình
............ chưa đủ dài để nối???

Yêu mà tiếc thì yêu chi cho vội!
................................
Cái câu ca dao trách thân đến tội,
như tiếng thở dài
nhìn tro tàn ngún khói!!!
.......
Yêu khi nào mà vội vàng chắp nối?

Anh nghĩ quá nông,...
nên hờn giếng không sâu.

Tôi thương thân tôi mưa nắng dãi dầu,
đi hẹn hò chi với cái anh chàng cạn sợt!

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Lục bát

Chỉ cần Anh 2 mặt thôi
Lòng em cũng đã bồi hồi xót đau,...
Nỡ nào 6 mặt nhìn nhau,
Làm cho lẫn lộn vàng - thau giữa đời.

(Viết ở chùa Lục Dung
- Quãng Châu. Trung Quốc )

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Dì Thiên Cầm

         Ông Ngoại tôi là người sính văn chương chữ nghĩa.
         Ông đổ Tú tài Pháp, từng học Trường " Sisowach" gì đó ở Kampuchea nên nói tiếng Miên và tiếng Pháp với tốc độ của gió. Ong Ngoại tôi đẹp trai, hào hoa phong nhã - cứ nhìn Ông bây giờ thì rõ cái thời trai trẻ của Ông như thế nào.
          Bởi những ưu điểm về ngoại hình, về trình độ, kiến thức lại lịch duyệt nên Ông tôi rất tự kiêu. Đối với Ông thì cái gì của Ông cũng nhất: Bà của tôi đẹp nhất trong các Bà lão, Mẹ tôi và các Cậu, Dì tôi đẹp nhất trong cái thế giới đầy người này vì thế họ cũng được Ông đặt cho những cái tên khó ai nghĩ ra để mà đặt : Nào là Thiên Nhân, Thiên Cầm, Thiên Hoa, Thiên Các, Thiên Cẫm, Thiên Hà, Thiên Tú, ....
          Vào năm ấy dì Thiên Cầm đã 27 tuổi, đúng chín nút.
           Dì không phải là Út, đám cưới dì Thiên Cẫm mà chúng tôi gọi là dì Út vừa tròn 2 năm. Dì Út lấy chồng trước chị nên Ông Bà tôi rất áy náy, nhưng không lẽ bắt dì Út chờ !Mà dì Thiên Cầm có phải là không đẹp đâu ( đã bảo là con gái Ông Bà tôi người nào cũng đẹp cả ), chỉ tội 1 điều dì Thiên Cầm ít chịu khó học. Học Phổ thông không xong Dì ở không chơi 1 thời gian, Mẹ tôi sốt ruột hối thúc Ba tôi xin cho Dì đi học Trung học nghề. 2 năm nhởn nhơ vừa chơi vừa học Dì cũng tốt nghiệp Trung cấp nhưng tay nghề thì đến làm thợ vịn Dì làm cũng không được ( đó là câu nói mà Mẹ tôi hay buông ra khi có việc cằn nhằn về Dì với Ông Bà tôi ).
           Vì thế, một lần nữa Mẹ tôi lại năn nỉ, kèm theo hờn giận để buộc Ba tôi phải tìm cách gởi cho Dì Cầm đi làm.
           Rồi cuối cùng Dì Cầm cũng đi làm... cây đàn của Trời lẽ ra phải ngân tiếng của mình ở đâu đó tươi đẹp và sang trọng hơn thì Dì đi làm công nhân ở 1 Xí nghiệp. Mẹ tôi hết cách, rầu rỉ lắc đầu hoài vậy mà Dì lại vui vẻ và toại nguyện lắm - cứ như Dì sinh ra để làm công nhân, Ông tôi thì cứ thở dài: " Trời ơi! con gái tôi... khổ thật". Mà tôi thấy cũng khổ thật, Dì xinh đẹp là thế, khuôn mặt như búp bê, mũi cao, tóc dài đen mượt, chỉ tội nhỏ con nhưng dáng vẻ rất dễ thương, ai cũng nói Dì giống Mẹ tôi nhất nhà, nhưng tôi thấy Dì  khác quá. Mẹ tôi thì da trắng, từ tư tưởng đến dáng vẻ đều toát ra vẻ kiêu kỳ, khó gần... còn Dì thì da ngâm, lúc nào cũng có vẻ cam phận, mặc cảm và hiền lành. Bọn cháu chúng tôi lúc ấy đứa nào cũng thích Dì hơn Dì Út vì Dì út hay gắt gỏng và Dì Út đã có chồng rồi, cũng không thích chơi với chúng tôi.
           Sau một thời gian khoác áo công nhân Dì Cầm đổi tính - nghịch ngợm, láu lỉnh và hay cười đùa ầm ỉ. Dì lại còn hay nói những tiếng lóng mà Mẹ tôi cứ mắng " con này, ăn nói thô tục quá" và Mẹ cằn nhằn Bà Ngoại: " Má tốp bớt con Cầm lại kẻo nó khủng khiếp quá ". Mẹ lại còn to nhỏ với Dì " con gái ăn nói, ngồi đứng cho nghiêm túc, cứ buông lung mãi rồi thành quen, muốn sửa cũng không được... " Những lúc ấy Dì hay cáu kỉnh nói lại " Kệ tui đi, Bà khó quá trời. ".... đúng là khủng khiếp thật, trước đây tôi chưa bao giờ nghe Dì cãi lại với Mẹ.
           Một hôm, Dì Thiên Tú bắt gặp trong giỏ xách đi làm của Dì Cầm mấy cái thư nét chữ con trai tỏ tình với Dì. Dì Thiên Tú méch Mẹ tôi ( tôi quên nói là tuy mẹ tôi lấy chồng, ở riêng từ mười mấy năm nay, nhưng việc ở nhà Ông Bà, nhất là chuyện mấy Dì, Cậu thường là phải đến Mẹ, Ba tôi ngó nghiêng qua mới xong ). Biết chuyện của Dì Cầm,  Mẹ không nói gì chỉ buông thỏng " Ừ, thì nó lớn cũng phải có người yêu chứ"... và Mẹ âm thầm tìm hiểu anh chàng cả gan viết thư cho cô tiểu thư khoác áo công nhân nhà mẹ. Mẹ để ý, gặp gở và hỏi han qua nhiều người và kết luận gọn bâng " không được, anh chàng này cũng nhỏ con, xấu quá mà học cũng ít, như vậy sau nầy sinh con sẽ không tốt" Dì nghe xong chẳng lấy làm buồn, cũng không nghỉ chơi với chú ấy như Mẹ ra lệnh, Dì bảo với Dì Út  " Tao đâu có yêu nó đâu mà Bà Thiên Bảo cự nự, nhưng bạn bè mà, đâu có sao" và cứ như thế Dì cứ vui vẻ sống và làm việc, mà cũng chẳng lấy chồng vì dù Dì đẹp, dễ thương như vậy nhưng chắc kém duyên nên chẳng thấy ai đặt vấn đề cưới, hỏi ngoài anh chàng công nhân mà Mẹ tôi đã loại ra ngay ấy.
           Có biết đâu dù Dì cười nói như không mà trong lòng Dì luôn có sóng nổi. Dì càng mặc cảm, thu mình trong vỏ ốc hơn khi có ai nhắc đến chuyện yêu đương, chồng con. Ông Bà tôi không biết cứ sốt ruột " Tao gả con Cầm rồi mới hết nợ " , còn Mẹ tôi thì cứ đủng đỉnh - cái cách đủng đỉnh của một con người cao ngạo  "khoan đã Má ơi, nóng làm gì, nó chưa tới duyên, trăng đúng rằm trăng tròn mà ". Ba tôi, bản tính hay chọc ghẹo, cười đùa, Ba cứ theo chọc Dì  " Ừ, Cầm khoan lấy chồng đi, mọi người đỡ tốn tiền " ( Ba lấy vợ, gặp nhằm một lô, một lốc em vợ lủ khủ, cứ mỗi Dì, Cậu lập gia đình lại phải lo, phải tốn.). Chẳng gì dù không phải là Trưởng nữ mẹ tôi lại có số đoạt trưởng , nhiều khi Mẹ cứ ca thán một cách lẩm cẩm " sao mà việc gì tụi mầy cũng kêu đến tao ". Nói là lẩm cẩm vì tôi thấy Mẹ càu nhàu thì cứ càu nhàu nhưng vẫn vơ hết công việc về làm một cách rất có trách nhiệm. Mỗi lần vậy, thấy Mẹ mệt Ba tôi lại bực mình " Em làm như không có em không ai làm được hết chắc ".... Nhưng đó là điệp khúc của Ba mẹ tôi hay tấu. Mà ở đây hai người ấy lại không phải vai chính, tôi quay trở lại với Dì Thiên Cầm và chăm chú theo dỏi Dì với đôi mắt chỉ còn có phân nửa là thiếu nhi của tôi ( nói rằng chỉ có phân nửa là thiếu nhi vì tôi muốn giải thích những lời Mẹ hay nói với tôi, nào là " lớn rồi mà còn không biết làm gì ... ", rồi lại " con còn nhỏ lắm, khoan biết nhiều đã... " Ôi người lớn... sao mà phức tạp.! ?. )
        Dì Thiên Cầm cũng thế, có lúc Dì rất hồn nhiên, ăn dỗ đến cả con bé Quế nhà tôi, lại có lúc ngồi thừ ra khóc lóc, nước mắt tuôn như suối, đến nổi Anh Vũ tôi phải kể là " đêm qua tao nghe có tiếng mưa rơi ngoài vườn hoa của Ông ngoại, lại nghe có tiếng nỉ non như tiếng dế kêu, sợ muốn chết, hóa ra Bà Cầm nhà mình lén ra đó khóc làm sáng Ông ngoại khỏi phải tưới hoa." Bọn cháu chúng tôi cứ giỡn, cứ trêu chọc Dì Thiên Cầm vì ngoảnh đi, ngoảnh lại chỉ còn có Dì là chưa chồng, còn giỡn với chúng tôi, có khi bằng cả những chiếc dép bay trúng lưng, trúng lung tung trong 1 trận giặc giả vờ nào đó.
        Chịu không nổi cái việc Dì Cầm già rồi mà chưa chồng, không có người yêu, một hôm Dì Thiên Tú nhỏ to với Mẹ tôi và Bà Ngoại đòi dắt về 1 anh chàng chưa vợ ở Công ty Dì Tú để giới thiệu cho Dì Cầm. Tôi nghe 3 người bàn tán mà muốn chết vì cười, năm 2000 rồi mà Mẹ và Dì Tú làm như thời Hồ Biểu Chánh mới viết văn vậy. Tôi mà bị đối xử như thế thà chết còn hơn.
        Nhưng mà Dì tôi thì cứ tỉnh như không, Dì chấp nhận sự có mặt lúng túng của anh chàng nọ một cách tỉnh táo đến mức tôi không thể ngờ rằng trên đời nầy có 2 kẻ lại dễ hợp nhau đến vậy. Mối tình ép uổng của Dì Thiên Cầm tiến triển rất nhanh, thoắt đó mà 2 bên đã bàn chuyện cưới xin như ý Ông Bà và các Dì tôi mong muốn. Dì Cầm thì khỏi nói, Dì cười, nói rạng rỡ, vui tươi ra vẻ ta đây cũng sắp lấy chồng. Dì bàn với Mẹ tôi may áo dài cưới và Mẹ tôi cũng tíu tít mừng rỡ như chính Mẹ tôi được lấy chồng chứ  không phải Dì Cầm.
         Thiệp cưới đã in xong, ngày cưới được ấn định rõ ràng, sắc nét, chúng tôi khấp khởi chuẩn bị quần áo đẹp để đi dự lễ cưới.
          Thế mà vào một buổi chiều, khi tôi vào nhà Ngoại để rước Mẹ về thì thấy Dì Thiên Cầm đổ gục như một bông hoa héo trên những mảnh thiệp cưới vụn nát. Tôi không dám hỏi... mà cũng không thể hỏi gì với người con gái đang ngồi trước mặt tôi, trong gian phòng khách lạnh ngắt và im lặng đến kỳ cục.
          Như vậy là đàng trai đột ngột từ hôn vì cô bạn láng giềng ở quê của chú rễ đã khóc lóc đòi chú rễ phải có trách nhiệm với cái thai cô mang đã 2 tháng. Chú rễ về quê cưới vợ sau khi Ba Mẹ chú qua nhà Ngoại tôi nói thật và xin lỗi về việc hủy đám cưới. Ngoại tôi xua đuổi họ về vì sợ xấu hổ với hàng xóm, chỉ có Dì Cầm khóc nức nở không chịu hủy hôn. Dì tôi khóc nhiều lắm, khóc đến đôi mắt đỏ sục lên, ráo hoảnh, giọng khàn đặc và tay chân lạnh ngắt cứ luôn miệng đòi chết. Ông tôi tức giận bảo Dì muốn chết thì cứ việc, tiếc một thằng đàn ông như thế thì chết là phải rồi.
          Nửa đêm hôm đó, chuông điện thoại nhà tôi đổ liên hồi, tiếng chuông điện thoại reo lúc nửa đêm thường báo điềm chẳng lành, Mẹ tôi bật dậy chụp ống nghe rồi kêu trời hối Ba tôi đưa Mẹ vào nhà Ngoại gấp. Thấy 2 đứa tôi lao nhao Mẹ quay lại hét " ngủ đi, lộn xộn quá ", Mẹ tôi mà hét con cái là chuyện lạ, khủng khiếp lắm vì bình thường bọn tôi toàn nghe những lời ngọt ngào như con ạ, cưng ạ dù là lúc Mẹ nóng giận đến đâu chăng nữa.
         Dì Thiên Cầm vào bệnh viện vì đã uống trọn mấy mươi viên thuốc ngủ ... Bác sĩ cứu chữa suốt đêm nhưng tới sáng thì lắc đầu. Cơ thể Dì quá yếu để chịu đựng và tinh thần Dì tôi cũng không có ý chí muốn sống. Dì cứ thế, ngủ luôn không tỉnh dậy mặc mọi người kêu gào, khóc lóc. Tôi nghĩ đến cái dáng đổ gục của Dì trên những mảnh thiệp bị xé vụn nát - Tại sao ngay từ cái nhìn đó tôi đã nghĩ Dì không còn là một người sống nữa rồi .... Bởi Dì đẹp mỏng mảnh như một bông hoa mà cái hồn cứ phiêu lãng ở đâu đó, nên dù có cắm trong bình với đầy đủ nước mát nó cứ héo rũ dần.
         Đó là cái chết 1 người thân trong gia đình đầu tiên mà tôi chứng kiến từ khi mới lớn. Tôi còn quá trẻ để đánh giá những sai lầm của người lớn trong cái chết của Dì Thiên Cầm, nhưng tận cùng trong lòng mình tôi cứ nghĩ tại sao Dì phải chết vì 1 con người quá tệ như vậy, tôi còn nghĩ có lẻ Dì chết bởi tiếc đã gặp phải 1 người đàn ông như thế trong đời và Dì đã chán, đã mệt mỏi vì phải sống.
        Những bông hoa dù đẹp đến đâu cũng sẽ héo tàn. Tôi yêu thương Dì tôi nhưng tôi cứ nghĩ Dì chết là phải, là hợp nhất trong vở tuồng mà Dì đã đóng. Chương sách đã hết, màn nhung đã khép... chỉ còn ở đâu đó linh hồn của Dì tôi vẫn trẻ thơ và hồn nhiên, tin người đến tội nghiệp.