Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Anh Hai

Anh hai mới vừa xuất bản một tập thơ tình sau nhiều lần xuất bản chung với nhiều Nhà thơ khác!
Cầm tập thơ mà bồi hồi, chưa đọc bên trong đã biết cái tứ thơ đang chảy theo dòng nào.... Thì cũng là anh hai thôi - một người cao dong dỏng, lưng hơi khòm, cặp mắt kính cận trên một khuôn mặt hiền hậu - hiền đến  không thể có khuôn mặt nào hiền hơn thế! Anh hai cười cũng hiền, cả lúc gắt gỏng lên vì bị đám nhỏ tụi tôi trêu chọc cũng không thể dữ hơn được.
Và anh hai tên Trần Văn Nghĩa - Nhà thơ Trần Văn Nghĩa với những bài thơ tình đăng dài dài trên các trang báo, tuần báo học trò. Thơ của anh hai cũng hiền lắm, toàn là yêu mà chỉ đứng nhìn - ngắm - say lòng ... không dám nói : " Có bao nhiêu cửa trường bé học, là có bao hồn tôi quẩn quanh, ước nhìn mái tóc nghiêng vai nhỏ, chờ miệng cười...ôi! thoáng rất tình... " Để người ta đi qua rồi tiếc nuối: "  Biết xa sao vẫn yêu người, trăm năm nước chảy, thương đời thuyền nan... ". Anh hai yêu, cái tình yêu trong sáng nhẹ nhàng và dịu dàng chỉ có ở thập niên 60, 70,  tôi yêu cái hình ảnh : " Vườn nhà thoáng dáng ai xinh, ngẩn ngơ trước cổng với nghìn ước mơ..." trong thơ anh hai lắm. Thật sự cái cách yêu hiền lành và buồn hiu như thế ngày nay quá hiếm dù nó là tuổi thơ của tôi, cũng không phải là xa lắm trong mắt nhìn.
Thơ anh hai, thường là thơ lục bát, cái dòng lục bát dân dã, không giáo điều, một cô thôn nữ đang cắt lúa trên đồng cũng có thể ngẫu hứng làm được, cái loại thơ nói ra, viết ra như chữ trong lòng mình tự tuôn chảy, chẳng cần phải sửa sang hay tỉa gọt gì: " Chờ ai chờ suốt cả chiều - để con đường vắng thêm nhiều lá rơi...". Thật lòng tôi - lâu lắm lắm rồi tôi quên cái câu: " Em qua che nón làm duyên, nghìn thu rớt lá ngoài hiên ta ngồi. Giậu buồn mấy hạt mồng tơi, muốn pha mực tím ngỏ lời tương tư..." là của anh hai. Cứ thấy giây mồng tơi với những hạt tròn tròn tím đen ở đâu là tôi lại đọc giậu buồn mấy hạt mồng tơi... . Hôm nay nhìn vào tập thơ chợt bật cười : hóa ra là thơ hò vè của anh hai mình, may là mình còn chưa tưởng lầm đó là thơ của mình sáng tác.
Với tôi, thơ của anh hai có cái đặc biệt là nhẹ nhàng, mộc mạc như lời người ta nói chuyện với nhau, có lần anh hai viết đưa cho tôi - cái cô bé học lớp 7 hay 8 gì đó của Trường Gia Long, lúc nào đi học cũng lúc lắc hai cái đuôi tóc cột nơ hồng một bài thơ ( tội tôi lắm, mang tiếng là em cưng nhưng cả đời chỉ được nhắc đến một lần ): " Con đường sương ướt cỏ hừng đông, tóc thơm bé thắt chiếc nơ hồng, mùi hương bồ kết bay trong gió, sách vở học trò trong trắng trong... ". Tiếc là bài này không phải thơ tình nên trong tập thơ vắng bóng.
Gọi là anh hai, dù anh họ Trần còn tụi tôi họ Phạm vì anh hai là con nuôi của Ba Mẹ tôi. Cái duyên làm con nuôi của anh Hai cũng thật là buồn cười: Anh hai làm quen chị tôi ở cái ngôi trường hai người học chung thời trung học, cái ngôi trường trên con đường có những cây me già cỗi  như anh đã nhắc trong bài thơ: " Để tôi trở lại đường này, có ngôi trường với hàng cây me già, có người năm trước tôi xa, còn vương sân cũ trắng tà áo bay...". Chuyện không đi xa hơn vì như đã nói anh hai yêu không quyết liệt chút nào, thấy người mình để ý  yêu người khác thì rụt rè tránh sang một bên nhường đường: " Sân em trồng mấy khóm hường, muốn xin về cắm trong vườn nhà anh... " vậy rồi chỉ là : " Sáng tưới nước, chiều dạo quanh, tưởng đời như một màu xanh hẹn hò". Chán thiệt.... Nhưng vì anh hai hiền, hiền lộ rõ mồn một trên mặt mà Ba mẹ tôi lại không có con trai lớn nên thương lắm rủ anh hai làm con nuôi, anh hai nhận ngay. Thế là chúng tôi có ngay một ông anh hiền ơi là hiền để suốt ngày ăn hiếp....
Nhớ thêm cái này nữa: Ngày anh hai còn học ở đại học Sư phạm Đà Lạt. Hè năm tôi học lớp 9 lên đó ở cả tháng trời. Anh hai dắt tôi đi chơi rong ruổi khắp nơi, giới thiệu cô người yêu mới học cùng trường, nhà ở trong cư xá. Căn nhà nhỏ nhắn, êm đềm như chuyện tình của hai người ( sau đó cũng không đi đến đâu ). Cô người yêu tên Đa, người tròn tròn, nhu mì.... anh hai làm thơ cho chị Đa như vầy : " Đường về cư xá cong cong, em đi thơ cũng một dòng trôi theo"... Tôi tròn mắt nhìn anh hai, lanh chanh sửa ngay : Đường về cư xá cong cong, Đa đi lu cũng một dòng trôi theo, anh hai vừa cười, vừa giận, vừa sợ người yêu biết nên ngưng luôn không làm tiếp bài thơ mới được có hai câu.
Rồi anh hai tốt nghiệp, về quê, đi dạy, cưới vợ để có của riêng mình một bông hoa quỳnh nở muộn nhưng ngát hương :" tặng em một nhánh hoa quỳnh - chỉ đêm khuya nở riêng mình anh thôi" . anh hai giờ đã gả con, có cháu ngoại... anh em tôi vẫn cứ líu ríu nói đủ thứ chuyện trên đời khi gặp nhau dù người nào tóc cũng điểm bạc... lúc nào anh hai cũng như xưa - ăn nói mộc mạc, chân tình... chỉ duy nhất cái chữ cửa miệng : Tụi mầy làm anh " sầu" quá -  thì mất tiêu đâu đó theo dòng chảy thời gian rồi.
Thôi nhé anh hai, bây giờ đến đêm trăm năm đầu bạc rồi, ngày xuân thì tóc xanh đã qua.... một nếp nhà xinh, một vườn nho trĩu trái, một công việc cũng hiền hậu như người, một bà vợ nền nả cùng nghề và những đứa con đẹp, cháu ngoan ríu rít...... thêm một tập thơ mới toanh nữa... chắc anh hai đã thỏa lòng, không còn: " Mùa mới sang, cây nẩy lộc đâm chồi, sao đời anh chẳng đổi khác em ơi. Nghĩa là cũng ngậm ngùi và cay đắng..." phải không anh hai....
Và cuối cùng là khi đã đọc xong, kết thúc tập thơ tình gồm 65 bài của anh hai - muốn hỏi nhỏ anh hai rằng: Cái người mà : " Mối tình thơ, lứa đôi - chẳng là duyên là nợ, chẳng nên chồng nên vợ, cũng là em, thế thôi" đang ở đâu trong cõi đời mênh mông này vậy? Sao anh hai không viết như vầy nè: Xưa ta sầu chuyện yêu em, trăng khuya uống đến say mềm mới thôi... tóc xanh bạc nửa mái rồi, chữ SẦU giờ gởi mây trời đang trôi....  vậy đi anh hai, ngày xưa em học Triết - thầy Hoàng nói vầy nè: Từ tôi phút trước sang tôi phút này cách xa nhau lắm đó, không tìm lại được đâu.
Nói nhiều vậy chính là muốn chúc mừng anh hai ra tập thơ tình và muốn nói với anh hai rằng một người bận rộn như em Phượng, kiêu kỳ như em Phượng đôi khi vẫn nói thầm sao thơ của mình hay thế mà đã ngồi đọc một hơi 65 bài thơ của anh hai và viết một bài dài như thế này, anh hai thật là có phúc. 

( Chú thích của tác giả: Những câu thơ viết nghiêng, nằm trong ngoặc kép là của Nhà thơ Trần Văn Nghĩa - Trích trong tập thơ tình  Để tôi tìm lại ngày xưa - do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận xuất bản năm 2012 )

1 nhận xét:

  1. Khi nghe ve Anh Hai, noi ve Anh Hai chung toi se cuoi thoai mai.

    Trả lờiXóa