Tôi có rất ít những giấc mơ...
Tôi thường đi ngủ rất khuya khi đã đọc sách mõi mệt và chỉ trở dậy khi trời sáng. Nhưng khi đã mơ - thời gian gần đây tôi chỉ mơ thấy những chuyện liên quan đến một người. Nửa đêm tỉnh dậy vì giấc mơ, tôi cứ trăn trở hỏi mình vì sao?
Bởi tôi không cố gắng nhớ đến người ấy, trong những ngày nầy công việc của tôi cũng không có gì liên quan đến người ấy, vì sao trong những giấc mơ dài, ngắn của tôi - tôi luôn gặp và ở bên người ấy? Có chăng chỉ là khoảng đời còn rất trẻ của tôi, cái thuở 15, 16 tuổi, tôi vẫn nhớ có một anh chàng cao, gầy cứ đi theo tôi trên những con đường tôi đi, vẫn đến nhà tôi ngồi hoài từ sáng đến trưa, nói đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Mà ngày ấy tôi rất sợ nghĩ đến chuyện yêu đương, tôi còn rất nhỏ, tôi sợ mẹ tôi la, tôi sợ bạn tôi chọc, tôi sợ mọi người biết.
Đến một ngày, không thể chờ ở tôi một chuyện rõ ràng, H ( tên anh chàng ấy ) gởi tôi lá thư nói lời yêu và chờ ở tôi một tình cảm tương ứng. Tôi hoảng hốt, mất ăn, mất ngủ vì không biết hỏi ai, càng không dám tâm sự với ai. Tôi đâm ra oán H đã đẩy tôi vào một hoàn cảnh khó xử. Tôi không muốn mất H nhưng không thể xác định với H là tôi yêu như H muốn. Và tôi đã viết cho H một lá thư trên trang giấy có chữ CỔ TÍCH thật to, tôi nói với H là tôi không yêu H và gì nữa... tôi quên rồi và tôi thản nhiên gởi.
Nào biết người ấy đã giữ lá thư từ chối của tôi suốt 20 năm, cả khi anh đau khổ bỏ học nửa chừng, cả khi anh đã có vợ, có con. Anh đã canh cánh trong lòng hình ảnh tôi và nổi buồn, giận sự từ chối thẳng thắn của tôi. Anh yêu tôi thật sâu nặng và không hề muốn che giấu điều đó với bất cứ ai, với anh, đó không phải là thứ tình cảm trẻ con mà tôi vẫn cho là như vậy.
Gặp lại H sau nầy, chúng tôi đã ngồi với nhau kể lại chuyện ngày xưa và tôi vẫn cười cười " chuyện trẻ con mà " - Nhưng H lại nghiêm mặt " Không, nếu bây giờ có ai hỏi thì H vẫn nói như thế, H vẫn như thế. " H nói rất thành thật, gương mặt Anh có vẻ giận như bị tôi xúc phạm vì tôi vẫn cho đó là chuyện đùa. Nhưng may quá, H đã cười, anh bảo với con gái tôi " Mẹ con vẫn tính nết như vậy, không sống thật chút nào "
Con gái tôi ngơ ngác.
Có hôm H điện cho tôi, nói vài chuyện gì đó, tự nhiên anh thở dài: " Sao em cứ cái kiểu nói chuyện như đang ở trên cung trăng vậy? "
Tôi không ở trên cung trăng, tôi là một phụ nữ đẹp, thông minh. Tôi hiểu từng lời, từng ý của H. Nhưng nếu bây giờ tôi mới 16 tuổi, nếu như bây giờ được trở lại ngày xưa tôi sẽ trả lời cho H khác với nội dung của lá thư cổ tích ngày ấy, ít ra trong thư tôi cũng sẽ nói với H rằng hãy chờ tôi lớn thêm chút nữa.
Hồi ấy tôi còn trẻ quá, tôi không nghĩ là thật những gì đang xảy ra quanh mình. Hồi ấy tôi ngỡ là H đọc thư xong, xếp lại và thản nhiên đến tìm tôi như bản tính phớt lờ, hay đùa của H. Tôi không nghĩ, không ngờ mất luôn H đến giờ. Tôi hiểu ánh mắt H nói gì, những cử chỉ săn sóc H dành cho tôi trước mặt mọi người đều là những cử chỉ thật lòng, không phô trương, giả dối, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng không có gì, hoàn toàn không thể có gì.
Tôi và H lại mất biệt nhau suốt mấy năm nay. Già rồi H lại trở thành trẻ con vì hay giận. Anh im lặng không gọi điện, không sắp xếp các cuộc gặp gở giống như tình cờ. Anh lại giận dỗi giống như ngày xưa khi bị tôi làm cho tổn thương dù bây giờ tôi đã khôn ra một chút, nói gì cũng cố gắng cho thật dễ nghe.... và tôi im lặng không nhắc nhở, không tìm H, tôi sợ....
Vậy mà tôi lại liên tục gặp H trong những giấc mơ của tôi từ suốt 3 năm nay.
Có giấc mơ H đưa tôi về một ngôi nhà gỗ trồng đầy hoa, có hàng rào sơn trắng. chúng tôi ngồi ngay bậc cửa nói đủ thứ chuyện trên đời, có giấc mơ H cùng tôi đi trên một cánh đồng đầy cỏ dại và những bông hoa trắng nhỏ li ti, chúng tôi cãi nhau và lại làm hòa, bao giờ cũng do H châm chọc tôi điều gì đó.
Những giấc mơ không có đoạn đầu và bao giờ cũng thế không có đoạn cuối, giấc mơ hay kết thúc nửa chừng để mặc tôi loay hoay ráp nối từng chi tiết, tìm hiểu tại sao!
Nếu H biết trong giấc mơ tôi luôn gọi H bằng Anh chắc anh vui lòng lắm, tôi biết Anh vẫn luôn mong đợi nghe tôi gọi bằng Anh từ bao nhiêu năm. Và nếu H biết tôi luôn mơ thấy anh thì sao nhỉ? Hẳn anh chàng sẽ lại châm chọc rằng tôi đang chết mê chết mệt vì anh, rằng tôi là một con người hay che giấu sự thực.
H ơi, có những sự thực không cần nói ra, không nên nói ra chút nào H không hiểu sao? H đang ở trong giấc mơ của tôi, H làm sao biết được vì lẽ gì?
Bởi có những điều chỉ sống trong vô thức. Trong vô thức của tôi có H, như thế đối với H chưa đủ sao?
HP. 2010
( tên gọi nầy ắt sẽ làm H vui lòng....
....khi tình cờ đọc được bài viết .)
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011
Đêm ấy ở Cô Tô.
Bình Ngô rồi,
Nợ nước đã xong.
Phạm Lãi của em ơi,
Sao Anh chưa cùng em sánh bước.
Để người đời sau và người nghìn năm trước...
cứ thắc mắc hoài chuyện Tây Thi đi đâu????
Ta bỏ ngoài tai những chuyện bể dâu,
Công Tướng Khanh Hầu - bèo mây trôi nổi,
Bạc tiền - áo cơm lặn lội.
Những Gia huấn ca - bổn phận làm người.
Đi về phía tiếng cười,
Tây Thi một thời giặt lụa.
Bờ bến Trữ La,
tiếng cười lệ ứa......
Bước xiêu xiêu, đổ vỡ bức thành Ngô
.....................................
Về Cô Tô
Hồn Việt, ngựa Hồ...
Phạm Lãi ơi,
sao lại đặt lên đôi vai mỏng manh
cơ đồ, đất nước!
Người đời sau và người nghìn năm trước,
có biết cho Tây Thi
tiếng cười - lệ ứa...
Quân vương ơi,
Thiếp đã phụ chàng rồi,
trong gươm đao bèo giạt - hoa trôi,
gót nhỏ ngập ngừng,
cung vàng điện ngọc.
Lời thề trăm năm tơ tóc
gió thoảng mây bay,...
có đêm nào lạnh hơn đêm nay,
khi trùng trùng quan, binh vây phủ,
mà chàng vẫn bình yên giấc ngủ,
mà môi em vẫn thì thầm ... thủy chung.
Cát chạy, đá rung,
Thành trì xiêu đổ !
Lòng Tây Thi một trời giông tố,
Ngô Vương ơi, sao thiếp nỡ phụ chàng!!!
Đêm Cô Tô
Ngọc nát, vàng tan.
( mình mà là Tây Thi thì mình không thèm yêu Phạm Lãi, ... )
Ngọc Phượng - 1975
Nợ nước đã xong.
Phạm Lãi của em ơi,
Sao Anh chưa cùng em sánh bước.
Để người đời sau và người nghìn năm trước...
cứ thắc mắc hoài chuyện Tây Thi đi đâu????
Ta bỏ ngoài tai những chuyện bể dâu,
Công Tướng Khanh Hầu - bèo mây trôi nổi,
Bạc tiền - áo cơm lặn lội.
Những Gia huấn ca - bổn phận làm người.
Đi về phía tiếng cười,
Tây Thi một thời giặt lụa.
Bờ bến Trữ La,
tiếng cười lệ ứa......
Bước xiêu xiêu, đổ vỡ bức thành Ngô
.....................................
Về Cô Tô
Hồn Việt, ngựa Hồ...
Phạm Lãi ơi,
sao lại đặt lên đôi vai mỏng manh
cơ đồ, đất nước!
Người đời sau và người nghìn năm trước,
có biết cho Tây Thi
tiếng cười - lệ ứa...
Quân vương ơi,
Thiếp đã phụ chàng rồi,
trong gươm đao bèo giạt - hoa trôi,
gót nhỏ ngập ngừng,
cung vàng điện ngọc.
Lời thề trăm năm tơ tóc
gió thoảng mây bay,...
có đêm nào lạnh hơn đêm nay,
khi trùng trùng quan, binh vây phủ,
mà chàng vẫn bình yên giấc ngủ,
mà môi em vẫn thì thầm ... thủy chung.
Cát chạy, đá rung,
Thành trì xiêu đổ !
Lòng Tây Thi một trời giông tố,
Ngô Vương ơi, sao thiếp nỡ phụ chàng!!!
Đêm Cô Tô
Ngọc nát, vàng tan.
( mình mà là Tây Thi thì mình không thèm yêu Phạm Lãi, ... )
Ngọc Phượng - 1975
Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011
Viết tiếp .....Đường đến Khiêm Lăng
Ở Huế sự cổ kính vẫn tồn tại, dù cho nhiều nơi, nhiều chỗ người ta cũng đã hiện đại hóa khoảnh sân trước nhà, rồi thêm những hành lang ciment quét vôi màu hơi chói. Bởi sự cổ kính vẫn còn trong dáng mệ Huế ngồi trong cửa nhìn xa vắng vào đám du khách đi ngang - không có sự xởi lởi, hào hiệp của người dân phương Nam ngập tràn ánh nắng, không có sự đon đả, ngọt nhạt của người dân phương Bắc nổi tiếng lịch lãm... Ở đây Huế rất lặng lẽ và khó hiểu.
Chợt Lăng Tự Đức hiện ra ngang tầm nhìn khi xe ngoặc ở một khúc quanh. Đi qua khỏi cái khối buôn bán nhộn nhịp ngoài cửa là con đường đi vào cõi riêng tư của Vua khi ngài vẫn còn tại vị rất lâu. Lăng của Vua Tự Đúc là Khiêm lăng nên tất cả những vị thế hồ, núi, vườn ở đây đều bắt đầu bằng chữ Khiêm. Tôi không thể nhớ hết những điều mình đã biết từ mấy mươi năm trước khi học cổ văn với thầy Tôn Thất Thiện.... "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hương... " hay những lời kể du dương, ngọt ngào của cô gái Huế - hướng dẫn viên du lịch của đoàn. Tôi chỉ thấy lại cái cảm giác đã có trên đường đến lăng - cái cảm giác ở đâu đó có người đang đi kề ta, họ chạm vào ta, nhưng ta tưởng rằng khí lạnh của hồ sen dưới kia bốc lên, của bầu trời đầy hơi nước sau trận mưa vừa rồi còn lại, áo xiêm của họ thấp thoáng sau hàng cây bên giả sơn và khi ta chăm chú nhìn thì chỉ có vài cánh bướm vàng lạc lõng bay chập chờn. Cái cảm giác rất lạ khi ta bước chân lên nhà thủy tạ giữa hồ sen, nơi Ngài vẫn thường chiều chiều ra đó, ngồi một mình tìm tứ thơ mới. Sen hôm nay đâu còn gốc rễ của những ngó sen mấy trăm năm trước khoe hương sắc dưới tầm mắt của Quân vương, an ủi Người sau một ngày nặng trĩu những thế sự quốc gia, hưng vong triều đại. Nhưng giòng nước trong hồ chắc vẫn là giòng nước cũ, vì không ai muốn thay đổi cho mới một chứng tích cổ xưa? Mấy trăm năm rồi tiếng chân Ngài vào ra lăng biết có ai còn nghe, sao một người lạ mới đến Huế lần đầu như tôi tự nhiên cảm thấy Ngài đang ở đó, cái nhìn thăm thẳm đau buồn, nụ cười nhẹ nhàng, khó khăn - bởi đã chôn chặt, cắn răng nén vào lòng những tiếng tăm không ai muốn có. Tôi vẫn đi giữa dòng người như một kẻ mộng du, mặc quá khứ níu tay dắt về triều đại cũ... Này đây là cõi vô cùng, và càng ở trong quá khứ ta càng rùng mình vì sự cô độc của riêng một đức Vua. Tại sao Khiêm lăng phải rộng như vậy khi Ngài chỉ có một mình? Tại sao Ngài cứ trầm tư đau khổ như vậy khi đã có trong tay uy quyền trên trăm họ, khi có thể bắt thiên hạ khóc cười, và tại sao ngài lại giở tàn y đã xếp lại của người vợ yêu ra để tìm hương khi chung quanh là phi tần, mỹ nữ đầy cung cấm?
Xe đã chạy xa rồi, khuất nẻo đến Khiêm lăng, trời đã vào chiều, người ta vẫn nhộn nhịp mua, bán. Tôi ứa nước mắt xót xa khi nghĩ đến ở đó Người lại cô độc, thở dài - vào, ra lặng lẽ, nhìn dòng người đến chiêm ngưỡng, xem, ngắm và ra đi. Có ai còn nhớ đến Người như tôi - một kẻ hậu thế sống sau Người hơn mấy trăm năm - một buổi đến và đi mà không sao quên được. Ôi Tự Đức! Công, tội của Người lịch sử đã xét, tôi là ai mà dám bày tỏ nỗi băn khoăn? Chỉ biết rằng trong vạn người chỉ có vài người có mối đồng cảm với nhau và tôi đang tự hỏi TA là ai của mấy trăm năm trước để hôm nay cứ phải vương vấn vì nỗi buồn của một vì Vua...
Tháng 9/2002
Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011
Hồn dâu biển gọi ..... và Đường đến Khiêm Lăng
Mùa mưa năm 2002, tôi đến Huế cùng nhóm nữ CB lãnh đạo của Công ty, theo chương trình tham quan suốt dảy đất miền Trung do Chủ tịch công đoàn của Công ty tự thiết kế.
Chuyến đi là một chặng đường dài, mệt mỏi vì đi đường nhiều hơn là tham quan. Cũng may là chương trình ưu ái dành cho điểm dừng chân tại Huế khá đủ để chúng tôi có một đêm nghe ca Huế trên sông Hương và để khi về cả đoàn cứ đem câu ca Huế duyên dáng ghẹo nhau: "em đừng chờ đợi mần chi, nơi mô vừa nút...vừa khuy cứ cài"
Còn may mắn hơn nữa là trong ngày thứ hai ở Huế, chúng tôi được đích thân chủ nhà - Giám đốc một đơn vị đối tác của công ty cử người đến đưa chúng tôi đi tham quan một số lăng tẩm nổi tiếng của Huế, chương trình chỉ có thể đến các lăng trong nội thành (Lăng Minh Mạng phải xuôi Vỹ Dạ trên sông Hương mới đến được) nên đến hôm nay còn hẹn...
Nhưng tôi biết chắc rằng tôi chẳng giữ lời hẹn được rồi, vì ngay khi đến Khiêm lăng của Vua tự Đức tôi đã không còn muốn đi thăm một lăng nào thêm nữa. Các bạn sẽ biết lý do khi đọc tùy bút "Đường đến Khiêm Lăng " tiếp theo bài tự sự nầy, nhưng điều tôi vẫn muốn kể ra ở đây chính là muốn diễn tả thêm một chút nữa về cảm giác của tôi khi vào Khiêm Lăng.
Đó là cảm giác mà bạn tự nhiên thấy có hơi lạnh len vào sống lưng, nhưng ở đây có lẽ vì trời vừa dứt một cơn mưa? Và buổi chiều đang chầm chậm đến. Hơi mưa ẩn sâu trong từng chiếc lá, trên vuông gạch lót đường, trong cơn gió thổi thật nhẹ lắt lay từng chiếc lá sen trên hồ Tịnh Tâm - nơi mà hướng dẫn viên - một cô gái nói giọng Huế như chim hót bảo với chúng tôi rằng đó là nơi Ngài hay ngự mỗi buổi chiều để một mình nhìn sen nở.... Cũng giọng Huế ấy ngậm ngùi kể rằng Tự Đúc là một Ông vua cô đơn, Ngài bị lịch sử lên án đã hại anh là Hồng Bảo để giành ngôi... án oan hay không thì lúc còn học ở Gia Long tôi đã nghe Thầy - Cô giảng rất rõ rồi, nên khi nghe giọng cô gái Huế đất kinh kỳ có âm hưởng nghẹn ngào, ấm ức... lại có cảm giác quen thuộc ngày xưa, khi ngồi trong lớp học, ngạc nhiên vì thầy Thiện khi đọc bài thơ của Vua Tự Đúc khóc Bằng phi giọng thầy cũng như đang nghèn nghẹn.
Thì Tự Đức đúng là một Ông vua cô đơn nhất Triều Nguyễn rồi, ai cũng biết thế nhưng hôm nay sao tôi lại bâng khuâng? Vì thế hình như tôi đang trôi theo dòng người vào lăng một cách phiêu lãng và trong lúc mọi người tụ tập bàn tán thì tôi lại ra hồ sen ngồi ngắm những cánh sen tàn một cách buồn bả trên mặt hồ cạn nước. Thế rồi đột nhiên tôi cảm nhận có ai đang đứng nhìn mình đăm đắm, và tôi biết ngay khi ngẩng lên là không có ai.... vì tôi đang còn lại một mình cùng vài du khách nước ngoài đang tha thẩn ngoài sân, mọi người trong đoàn đã kéo hết ra ngoài... và lại một cảm giác tiếp theo như có ai đang chạm nhẹ vào chiếc áo khoác, phớt qua vai... và cảm giác hình như có một tiếng thở dài lướt qua trên mặt hồ.
Hoàn toàn không hoảng sợ, tôi rời lăng, men theo hàng cây ra ngoài, nước mưa trên những chiếc lá rơi nhẹ trên tóc khi tôi đi ngang qua. Hoàn toàn không hoảng sợ tôi chỉ tự hỏi AI đã nhìn tôi đăm đắm, AI đã chạm vào áo tôi và AI đã thở dài? Cho đến khi về đến khách sạn, ngồi viết ngay bài thơ về Bằng phi tôi mới hết cái cảm giác thôi thúc muốn viết một cái gì đó... vậy thì ai đã nhìn, đã chạm vào tôi, và ai đã thở dài????
Lịch sử đã trôi qua cả mấy trăm năm, người thiên cổ bây giờ chắc đã là gió cát, sao cái hơi thở dài ấy cứ lẩn quẩn trong đầu tôi? Tôi đa cảm hay chính những con người tuyệt vời ấy chưa tan trong cõi nhân sinh.... Dù sao xin bạn hãy cùng tôi quên lịch sử đẫm máu đi để chỉ nhìn một con người cô đơn và một mối tình sâu nặng của Hoàng triều xưa. Lịch sử là lịch sử, con người chỉ là chứng nhân khi ngòi viết sử gia kể lại...
..............
Mai nầy, khi Khiêm Lăng đã đổ nát những mảnh cuối cùng vì năm tháng, tiếng thở dài kia sẽ lan tỏa đi đâu trên thế gian nầy !!!
Và ĐƯỜNG ĐẾN KHIÊM LĂNG..........
Tôi đến Huế một ngày mùa thu, tháng 9 trời đầy những đám mây nặng và thấp, mưa cứ chực đổ xuống thành phố bất cứ lúc nào, không khí đầy hơi nước.
Huế lúc ấy như đang thở thật nhẹ, đi thật chậm... "Không gian như có giây tơ, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.. " ai đó đã làm một câu thơ như vậy và tôi bây giờ cứ bâng khuâng như vậy khi đi quanh thành Huế một ngày tháng 9.
Xe đi qua những con phố vắng nhưng đầy bóng cây và đi vào những con đường dốc cao dần, hai bên đường là màu xanh cây cỏ, tự nhiên như những con đường dẫn đến thành phố cao nguyên Đà lạt, nhưng ở đây ta đi trong niềm tôn kính bâng quơ, hồn của tiền nhân thấp thoáng ở đâu đó và bóng áo xiêm cung nữ, vương phi phất phơ nhẹ nhàng ở đâu đó. ... ( còn tiếp... )
Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011
Lời của Bằng Phi
"Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
xếp tàn y lại để dành hương...."
( Tự Đức )
Quân vương ơi...
Thiếp dẫu đi xa...
Về phía bên kia hồ sen lộng gió,
về phía chân trời mây tím cõi hoang vu,
về phía bóng cây xanh thẫm mịt mù,
áo xiêm phơ phất không tay người chạm đến.
Vẫn đau đáu nhìn bóng chàng,
đêm đêm trầm tư bên ngọn nến,
ngọn bút lông mực khô,
câu thơ viết nũa chừng,
câu thơ dang dở.....
vận nước chông chênh gánh vác trên vai,
thế sự thăng trầm.
Ai đổi trắng thay đen những chuyện lỡ... lầm.
Ôi... thế núi, thế sông,
dù muốn Khiêm cung... cũng buồn theo triều đại.
Thiếp thương bóng Quân vương...
một mình vào ra cung cấm,
giỡ áo xiêm xếp lại,
đập nát mảnh gương soi tìm lại bóng người yêu...
Thiếp xa quá rồi...
Nơi không có buổi sáng, buổi chiều,
chỉ có ánh trăng chập chờn bóng lá
..................
Thiếp xa quá rồi, ....
Âm dương đôi ngã,
Cho dẫu mai sau có thành người lạ,
tấm lòng yêu không tan,
muôn kiếp vẫn bên chàng.
Lăng Tự Đức - Huế 09/2002
xếp tàn y lại để dành hương...."
( Tự Đức )
Quân vương ơi...
Thiếp dẫu đi xa...
Về phía bên kia hồ sen lộng gió,
về phía chân trời mây tím cõi hoang vu,
về phía bóng cây xanh thẫm mịt mù,
áo xiêm phơ phất không tay người chạm đến.
Vẫn đau đáu nhìn bóng chàng,
đêm đêm trầm tư bên ngọn nến,
ngọn bút lông mực khô,
câu thơ viết nũa chừng,
câu thơ dang dở.....
vận nước chông chênh gánh vác trên vai,
thế sự thăng trầm.
Ai đổi trắng thay đen những chuyện lỡ... lầm.
Ôi... thế núi, thế sông,
dù muốn Khiêm cung... cũng buồn theo triều đại.
Thiếp thương bóng Quân vương...
một mình vào ra cung cấm,
giỡ áo xiêm xếp lại,
đập nát mảnh gương soi tìm lại bóng người yêu...
Thiếp xa quá rồi...
Nơi không có buổi sáng, buổi chiều,
chỉ có ánh trăng chập chờn bóng lá
..................
Thiếp xa quá rồi, ....
Âm dương đôi ngã,
Cho dẫu mai sau có thành người lạ,
tấm lòng yêu không tan,
muôn kiếp vẫn bên chàng.
Lăng Tự Đức - Huế 09/2002
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011
Mấy mùa hoa...
HOA CÚC VÀNG ….
HOA HƯỚNG DƯƠNG
Hãy để tôi tặng Anh bài viết nầy.
Người đã lỗi hẹn không quay về từ mùa thu 1974.
Người đã lỗi hẹn không quay về từ mùa thu 1974.
Hướng dương !!!!!!
Trước tiên phải nói là Tôi đã ghét loài hoa này biết bao nhiêu.
Tôi ghét cay đắng cách nó nở – Không hề e ấp, dử dội tung rộng hết các cánh hoa ra… không chừa một cánh nào, kể cả các cánh hoa li ti ôm sát nhụy. Tôi ghét cay ghét đắng cái cách nó sống, chỉ mươi ngày rồi thôi, như là cái cách người ta yêu vội: Vội yêu rồi vội chia xa… không hề tiếc nuối. Đối với tôi hoa là phải nở một cách e ấp, dịu dàng. Như là con gái vậy, phải đi đứng, nói cười đoan trang, nền nả, khuôn phép và trang trọng. Nói vậy mà tôi lại đi yêu thiết tha cúc vàng, những bông hoa huy hoàng như màu áo Trạng nguyên ngày vinh quy bái tổ, những bông hoa chở đầy những sợi nắng lơ mơ của mùa thu. Những cành hoa dù tàn lá vẫn nằm yên trên cành không rụng.
Đó là những bông cúc trong bức tranh vẽ bằng sơn dầu mà người đầu tiên yêu tôi đã đem đến tặng tôi trước khi Anh bay thẳng vào cõi vĩnh hằng … khi con chim sắt của Anh trúng đạn. Bức tranh cúc vàng là những giọt nước mắt có thật của tôi khi nhìn ra tình yêu của nó trên đôi cánh mà Anh đính trên tranh thay tên người tặng. Anh biết tôi yêu những hoa cúc vàng mong manh và đã dỗ tôi hãy bằng lòng làm vợ Anh để đổi lấy những ngày Anh sẽ lkhông để cho chân tôi chạm đất, Anh long trọng hứa sẽ bế tôi trên tay bất kỳ khi nào Anh về nhà, sau mỗi chuyến bay sẽ đem về trồng cho tôi những giống hoa cúc mới, Anh hứa hoa sẽ mọc trong vườn nhà, leo trên bậu cửa sổ và khi tôi thức dậy đón 1 ngày mới Anh sẽ để tôi thức giấc với mùi hương tinh khiết của 1 bộng hoa cúc vừa nở bên gối.….
Đó là lời hứa của 1 người đã vĩnh viễn đi xa mà không hề quay lại để nghe câu trả lời. Tôi đã chưa kịp trả lời vì ngày đó tôi chỉ mới vừa 17 tuổi. 17 tuổi tôi thông minh, xinh đẹp, tinh tươm như 1 bông hoa thuần khiết và cao ngạo như màu hoa tôi yêu. Khi tôi 17 tuổi tôi nghỉ tôi sinh ra để chuẩn bị làm 1 bà hoàng.
Sau khi người ấy không quay về như lời đã hứa, tôi không thèm yêu hoa cúc vàng nữa. Dù nó vẫn vàng như vậy, bất chấp thời gian… vẫn mùi hương nhẹ nhàng, thanh khiết, nhưng không còn là loài hoa quý hiếm tôi yêu ngày xưa. Tôi cho rằng hoa cúc vàng bây giờ không còn những cành yểu điệu rải chút nắng thu trên balcon nhà ai bên đường. Không còn nữa loại hoa cúc Nhật mỗi chậu chỉ được vài bông… và vì khi người ấy đã đi, đi rất xa thì những bông hoa vàng trên bức tranh sơn dầu hình như ngày càng nhợt nhạt.
Tình yêu với hoa trong tôi mỗi ngày chỉ còn là sự giận dữ, bực bội khi người ta đem chưng trên bàn thờ cả bó llớn, hoa chen chúc nhau đến không thở được. Công nghệ trồng hoa đem lại việc hoa cúc nở đầy quanh năm, không cần mùa thu, không cần nâng niu mãi một chậu hoa để được nhìn những nụ tròn như núc áo nở chầm chậm những cánh hao vàng, tôi ghét những bông cúc vàng đầy tràn những cánh, nở to và chóng tàn…
Và mùa xuân năm nay, khi kinh hải nhìn những chậu hoa cúc, cành cao lênh khênh, mỗi chậu cả trăm bông nở đầy, đều tăm tắp mà người ta mua về để trước cổng nhà, tôi đã ứa nước mắt giận hờn (hoa cúc đâu phải là loài hoa dễ dàng phô trương hương sắc của mình, càng không phải là một màu vàng vô hồn rải đều trên vải, đến cả vẽ thì người ta cũng phải vẩy những nét mực thủy mặc cho hoa cúc có hồn ai nở đem những bông hoa tôi yêu biến thành các cô thiếu nữ chỉ để diễu hành trên đường phố !!! ).
Mùa xuân năm nay, khi cùng chồng đi chợ hoa tết, tôi thản nhiên bỏ qua những chậu hồng ẻo lả, những chậu cúc vàng đều đặn một màu, những chậu Mãn Đình hồng như các cô gái trang điểm thô kệch, tôi lướt qua những bông Thược dược to tướng lúc lắc trên cành và chợt đứng sửng nhìn những cây hướng dương vàng gom ở một góc chợ đang có rất, rất nhiều người mua… và lần đầu tiên tôi nhìn, ngắm kỷ những bông hướng dương dưới nắng sớm… những bông hoa vàng hớn hở, từng cánh hoa mạnh mẻ như những tia nắng đầu ngày, và đưa hết mình ra nắng, không che giấu điều gì, những bông hoa thẳng thắn, minh bạch và vui vẻ. Ngạc nhiên một chút vì những ý nghỉ lúc đó, sao cũng là hoa Hướng dương, không có gì khác mà suy nghỉ của mình đã khác??? Suy nghỉ khác nên mắt nhìn cũng khác…, tự nhiên thấy hết ghét cái cách hoa nở, cái cách hoa đương đầu với ánh nắng chói chang, như đó chính là hạnh phúc của nó, rồi chợt nghĩ con người cũng vậy, biết khổ, biết khó cũng lao vào, trong chông gai kiếm tìm hạnh phúc, và chỉ cần hạnh phúc mỉm cười xa xa là thấy đủ sức để hy sinh, chịu đựng. Lại nghĩ hoa hướng dương sao giống người phụ nữ Việt Nam ở các vùng quê xa, cứ vui vẻ, ưởn ngực ra mà hứng sương giá, nắng gió ngoài đồng ruộng, lặn ngụp dưới ao sâu, lặn lội đường xa, gánh gồng nuôi đủ năm con với một chồng như bà vợ của quý ông Tú Xương, vậy mà nói đến chồng, con lại cứ cười hớn hở, có chê, trách thì cũng là chép miệng mắng yêu. Có oán than thì lại tự cho là mình vụng đường tu kiếp trước, kiếp nầy phải trả… cái nết chịu thương, chịu khó sao mà giống nhau đến lạ kỳ giữa hoa và người, hay hoa hướng dương cũng là một kiếp vụng đường tu trước kia nên cứ mỗi mùa xuân lại hẹn thề trả nợ nhân gian?
Ngẩm nghĩ mãi rồi cũng thử đưa ra ý kiến mua một cặp, hai chậu hoa về chưng tết, lại đến chồng ngạc nhiên vì mấy năm trước vợ cứ nửa mắt cũng chẳng thèm nhìn đến nói gì đòi mua. Nhưng nết chìu vợ của chồng cũng thuộc loại có hạng, nên cứ nói về hoa thì vợ phán gì chồng răm rắp nghe, không cãi. Mua hai chậu hoa về để hai bên tam cấp, trước bức màn cửa mỏng manh đầy một sắc hoa vàng lại thấy hoa bên ngoài cửa và hoa bên trong cửa cứ ẩn hiện, duyên dáng không ngờ, những bông hoa vàng to như cái dĩa trà đồng loạt quay mặt hết ra ngoài nắng, cứ mở cửa ra nhìn là thấy muốn bật cười theo cái cách mà nó vui vẻ từ sáng sớm. Mới thấy rằng cái cách mình ghét ngày xưa sao kỳ cục, lãng xẹt, mới ngộ ra rằng vạn vật, kể cả con người nếu được nhìn bằng con mắt yêu thương, dịu dàng thì tất cả đều đẹp, mỗi vẻ đẹp khác nhau trong trời đất là tặng vật quý hiếm của tạo hóa tặng cho muôn loài, can cớ gì tự nhiên ghét bỏ ?
Vậy mới nói, mỗi thời 1 cách nghĩ, trẻ khác, lớn tuổi một chút đã khác, sắp về với đất trời lại khác nữa. Từ hoa cúc sang hoa hướng dương, cuối cùng cũng chỉ là màu vàng… đâu có gì khác, chỉ có tôi là khác. Tôi của ngày 15, 17 tuổi đâu phải tôi bây giờ…
Ơi những hoa cúc vàng thời thiếu nữ xa xôi, những bông hoa thơm hương trà, ngan ngát mùi thảo dược, mùi gió thu, những bông hoa nở vàng trên cổ mộ mỗi tiết thanh minh… Xa xôi… Xa xôi như dáng hình tôi yểu điệu trong tà áo dài vàng đầu đời biết diện, xa xôi như ánh mắt ai ngỡ ngàng nhìn tôi lần đầu gặp mặt, ánh mắt ấy nói với tôi rằng tôi chính là cô gái bước ra từ giấc mơ của Anh. Xa lắm rồi, không phải là ngày hôm qua, không phải như một cái chớp mắt.
Khi tôi đâm ra cảm thấy vui vì một loài hoa khác, tôi biết là cái thời xa lắc ấy đã thôi ám ảnh mình.
(Mùa xuân năm 2010)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)