Viết tiếp .....Đường đến Khiêm Lăng
Ở Huế sự cổ kính vẫn tồn tại, dù cho nhiều nơi, nhiều chỗ người ta cũng đã hiện đại hóa khoảnh sân trước nhà, rồi thêm những hành lang ciment quét vôi màu hơi chói. Bởi sự cổ kính vẫn còn trong dáng mệ Huế ngồi trong cửa nhìn xa vắng vào đám du khách đi ngang - không có sự xởi lởi, hào hiệp của người dân phương Nam ngập tràn ánh nắng, không có sự đon đả, ngọt nhạt của người dân phương Bắc nổi tiếng lịch lãm... Ở đây Huế rất lặng lẽ và khó hiểu.
Chợt Lăng Tự Đức hiện ra ngang tầm nhìn khi xe ngoặc ở một khúc quanh. Đi qua khỏi cái khối buôn bán nhộn nhịp ngoài cửa là con đường đi vào cõi riêng tư của Vua khi ngài vẫn còn tại vị rất lâu. Lăng của Vua Tự Đúc là Khiêm lăng nên tất cả những vị thế hồ, núi, vườn ở đây đều bắt đầu bằng chữ Khiêm. Tôi không thể nhớ hết những điều mình đã biết từ mấy mươi năm trước khi học cổ văn với thầy Tôn Thất Thiện.... "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hương... " hay những lời kể du dương, ngọt ngào của cô gái Huế - hướng dẫn viên du lịch của đoàn. Tôi chỉ thấy lại cái cảm giác đã có trên đường đến lăng - cái cảm giác ở đâu đó có người đang đi kề ta, họ chạm vào ta, nhưng ta tưởng rằng khí lạnh của hồ sen dưới kia bốc lên, của bầu trời đầy hơi nước sau trận mưa vừa rồi còn lại, áo xiêm của họ thấp thoáng sau hàng cây bên giả sơn và khi ta chăm chú nhìn thì chỉ có vài cánh bướm vàng lạc lõng bay chập chờn. Cái cảm giác rất lạ khi ta bước chân lên nhà thủy tạ giữa hồ sen, nơi Ngài vẫn thường chiều chiều ra đó, ngồi một mình tìm tứ thơ mới. Sen hôm nay đâu còn gốc rễ của những ngó sen mấy trăm năm trước khoe hương sắc dưới tầm mắt của Quân vương, an ủi Người sau một ngày nặng trĩu những thế sự quốc gia, hưng vong triều đại. Nhưng giòng nước trong hồ chắc vẫn là giòng nước cũ, vì không ai muốn thay đổi cho mới một chứng tích cổ xưa? Mấy trăm năm rồi tiếng chân Ngài vào ra lăng biết có ai còn nghe, sao một người lạ mới đến Huế lần đầu như tôi tự nhiên cảm thấy Ngài đang ở đó, cái nhìn thăm thẳm đau buồn, nụ cười nhẹ nhàng, khó khăn - bởi đã chôn chặt, cắn răng nén vào lòng những tiếng tăm không ai muốn có. Tôi vẫn đi giữa dòng người như một kẻ mộng du, mặc quá khứ níu tay dắt về triều đại cũ... Này đây là cõi vô cùng, và càng ở trong quá khứ ta càng rùng mình vì sự cô độc của riêng một đức Vua. Tại sao Khiêm lăng phải rộng như vậy khi Ngài chỉ có một mình? Tại sao Ngài cứ trầm tư đau khổ như vậy khi đã có trong tay uy quyền trên trăm họ, khi có thể bắt thiên hạ khóc cười, và tại sao ngài lại giở tàn y đã xếp lại của người vợ yêu ra để tìm hương khi chung quanh là phi tần, mỹ nữ đầy cung cấm?
Xe đã chạy xa rồi, khuất nẻo đến Khiêm lăng, trời đã vào chiều, người ta vẫn nhộn nhịp mua, bán. Tôi ứa nước mắt xót xa khi nghĩ đến ở đó Người lại cô độc, thở dài - vào, ra lặng lẽ, nhìn dòng người đến chiêm ngưỡng, xem, ngắm và ra đi. Có ai còn nhớ đến Người như tôi - một kẻ hậu thế sống sau Người hơn mấy trăm năm - một buổi đến và đi mà không sao quên được. Ôi Tự Đức! Công, tội của Người lịch sử đã xét, tôi là ai mà dám bày tỏ nỗi băn khoăn? Chỉ biết rằng trong vạn người chỉ có vài người có mối đồng cảm với nhau và tôi đang tự hỏi TA là ai của mấy trăm năm trước để hôm nay cứ phải vương vấn vì nỗi buồn của một vì Vua...
Tháng 9/2002
Chi Phuong,
Trả lờiXóaqua tuyet voi. Em phai tim doc cho duoc lich su noi ve vi Vua Tu Duc nay. Lam sao tim ra day?
Ngoc Dung