Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Hồn dâu biển gọi ..... và Đường đến Khiêm Lăng

         Mùa mưa năm 2002, tôi đến Huế cùng nhóm nữ CB lãnh đạo của Công ty, theo chương trình tham quan suốt dảy đất miền Trung do Chủ tịch công đoàn của Công ty tự thiết kế. 

         Chuyến đi là một chặng đường dài, mệt mỏi vì đi đường nhiều hơn là tham quan. Cũng may là chương trình ưu ái dành cho điểm dừng chân tại Huế khá đủ để chúng tôi có một đêm nghe ca Huế trên sông Hương và để khi về cả đoàn cứ đem câu ca Huế duyên dáng ghẹo nhau: "em đừng chờ đợi mần chi, nơi mô vừa nút...vừa khuy cứ cài"
         Còn may mắn hơn nữa là trong ngày thứ hai ở Huế, chúng tôi được đích thân chủ nhà  -  Giám đốc một đơn vị đối tác của công ty cử người đến đưa chúng tôi đi tham quan một số lăng tẩm nổi tiếng của Huế, chương trình chỉ có thể đến các lăng trong nội thành (Lăng Minh Mạng phải xuôi Vỹ Dạ trên sông Hương mới đến được) nên đến hôm nay còn hẹn...
         Nhưng tôi biết chắc rằng tôi chẳng giữ lời hẹn được rồi, vì ngay khi đến Khiêm lăng của Vua tự Đức tôi đã không còn muốn đi thăm một lăng nào thêm nữa. Các bạn sẽ biết lý do khi đọc tùy bút "Đường đến Khiêm Lăng " tiếp theo bài tự sự nầy, nhưng điều tôi vẫn muốn kể ra ở đây chính là muốn diễn tả thêm một chút nữa về cảm giác của tôi khi vào Khiêm Lăng.
         Đó là cảm giác mà bạn tự nhiên thấy có hơi lạnh len vào sống lưng, nhưng ở đây có lẽ vì trời vừa dứt một cơn mưa? Và buổi chiều đang chầm chậm đến. Hơi mưa ẩn sâu trong từng chiếc lá, trên vuông gạch lót đường, trong cơn gió thổi thật nhẹ lắt lay từng chiếc lá sen trên hồ Tịnh Tâm - nơi mà hướng dẫn viên - một cô gái nói giọng Huế như chim hót bảo với chúng tôi rằng đó là nơi Ngài hay ngự mỗi buổi chiều để một mình nhìn sen nở.... Cũng giọng Huế ấy ngậm ngùi kể rằng Tự Đúc là một Ông vua cô đơn, Ngài bị lịch sử lên án đã hại anh là Hồng Bảo để giành ngôi... án oan hay không thì lúc còn học ở Gia Long tôi đã nghe Thầy - Cô giảng rất rõ rồi, nên khi nghe  giọng cô gái Huế đất kinh kỳ có âm hưởng nghẹn ngào, ấm ức... lại có cảm giác quen thuộc ngày xưa, khi ngồi trong lớp học, ngạc nhiên vì thầy Thiện khi đọc bài thơ của Vua Tự Đúc khóc Bằng phi giọng thầy cũng như đang nghèn nghẹn.
        Thì Tự Đức đúng là một Ông vua cô đơn nhất Triều Nguyễn rồi, ai cũng biết thế nhưng hôm nay sao tôi lại bâng khuâng? Vì thế hình như tôi đang trôi theo dòng người vào lăng một cách phiêu lãng và trong lúc mọi người tụ tập bàn tán thì tôi lại ra hồ sen ngồi ngắm những cánh sen tàn một cách buồn bả trên mặt hồ cạn nước. Thế rồi đột nhiên tôi cảm nhận có ai đang đứng nhìn mình đăm đắm, và tôi biết ngay khi ngẩng lên là không có ai.... vì tôi đang còn lại một mình cùng vài du khách nước ngoài đang tha thẩn ngoài sân, mọi người trong đoàn đã kéo hết ra ngoài... và lại một cảm giác tiếp theo như có ai đang chạm nhẹ vào chiếc áo khoác, phớt qua vai... và cảm giác hình như có một tiếng thở dài lướt qua trên mặt hồ.
         Hoàn toàn không hoảng sợ, tôi rời lăng, men theo hàng cây ra ngoài, nước mưa trên những chiếc lá rơi nhẹ trên tóc khi tôi đi ngang qua. Hoàn toàn không hoảng sợ tôi chỉ tự hỏi AI đã nhìn tôi đăm đắm, AI đã chạm vào áo tôi và AI đã thở dài? Cho đến khi về đến khách sạn, ngồi viết ngay bài thơ về Bằng phi tôi mới hết cái cảm giác thôi thúc muốn viết một cái gì đó... vậy thì ai đã nhìn, đã chạm vào tôi,  và ai đã thở dài????
         Lịch sử đã trôi qua cả mấy trăm năm, người thiên cổ bây giờ chắc đã là gió cát, sao cái hơi thở dài ấy cứ lẩn quẩn trong đầu tôi? Tôi đa cảm hay chính những con người tuyệt vời ấy chưa tan trong cõi nhân sinh.... Dù sao xin bạn hãy cùng tôi quên lịch sử đẫm máu đi để chỉ nhìn một con người cô đơn và một mối tình sâu nặng của Hoàng triều xưa. Lịch sử là lịch sử, con người chỉ là chứng nhân khi ngòi viết sử gia kể lại...

..............

Mai nầy, khi Khiêm Lăng đã đổ nát những mảnh cuối cùng vì năm tháng, tiếng thở dài kia sẽ lan tỏa đi đâu trên thế gian nầy !!!

Và ĐƯỜNG ĐẾN KHIÊM LĂNG..........

Tôi đến Huế một ngày mùa thu, tháng 9 trời đầy những đám mây nặng và thấp, mưa cứ chực đổ xuống  thành phố bất cứ lúc nào, không khí đầy hơi nước.
Huế lúc ấy như đang thở thật nhẹ, đi thật chậm... "Không gian như có giây tơ, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.. " ai đó đã làm một câu thơ như vậy và tôi bây giờ cứ bâng khuâng như vậy khi đi quanh thành Huế một ngày tháng 9.
Xe đi qua những con phố vắng nhưng đầy bóng cây và đi vào những con đường dốc cao dần, hai bên đường là màu xanh cây cỏ, tự nhiên như những con đường dẫn đến thành phố cao nguyên Đà lạt, nhưng ở đây ta đi trong niềm tôn kính bâng quơ, hồn của tiền nhân thấp thoáng ở đâu đó và bóng áo xiêm cung nữ, vương phi phất phơ nhẹ nhàng ở đâu đó. ... ( còn tiếp... )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét